20 năm gắn bó, buồn vui theo con nước, từ “Cái khó, ló cái khôn" qua không ít lần thua lỗ càng làm ông quyết tâm chinh phục, vượt qua những khó khăn để trở thành “vua cá Thát Lát” trên dòng sông Hậu.
Ông Lý Văn Bon (hay theo cách gọi của người dân địa phương là Bảy Bon) hiện là hội viên nông dân khu vực 1 - Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, có việc làm ổn định tại tỉnh Cà Mau, tuy nhiên với niềm đam mê nuôi cá và nhờ sự khuyến khích của một chuyên gia người Pháp, năm 2000, ông Bảy Bon cùng vợ và con trai 7 tuổi khăn gói lên Cồn Sơn, lập nghiệp bằng 2 lồng bè nuôi cá Điêu Hồng với số vốn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau thời gian thua lỗ vì giá cá sụt giảm mạnh, năm 2012, sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, ông Bon mạnh dạn chuyển sang nuôi cá Thát Lát cườm và gắn bó với con cá này cho đến nay. Ông Bon cho biết, để tránh tình trạng lệ thuộc thương lái nên năm 2013, đã mạnh dạn đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm.
Hiện nay, ông Bon có 30 lồng bè với thể tích 6.100m3 nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, tổng sản lượng đạt 1.000 tấn cá Thát Lát phục vụ chế biến và cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, ông còn cung cấp cá Koi giống, cá Chạch lấu và một số loại cá khác.
Cùng với nuôi thủy sản, ông Bon còn mở một cơ sở chế biến thủy sản theo quy trình khép kín, với diện tích 220m2 để tăng lợi nhuận khi nuôi thủy sản. Mỗi năm, cung cấp cho các nhà hàng, đại lý trong và ngoài TP. Cần Thơ từ 300 – 350 tấn chả cá Thát Lát, Thát Lát rút xương, Thát Lát muối sả…
Năm 2017, ông Bon bắt đầu mở dịch vụ đón khách du lịch đến tham quan bè cá. Đến nay, lượng khách đến tham quan đạt hơn 36.500 lượt khách/ năm.
Với mô hình kết hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ du lịch này đã mang về cho gia đình ông Bon lợi nhuận 9 tỷ đồng/ năm sau khi đã trừ tất cả chi phí. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 30 đến 38 lao động, với thu nhập mỗi lao động từ 8-10 triệu đồng/ tháng.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công nhân làm việc tại cơ sở chế biến của ông Bảy Bon cho biết: “tôi làm việc ở đây được 7 năm, với mức lương tương mỗi tháng 10 triệu đồng nên rất an tâm làm việc và sẽ gắn bó với cơ sở chế biến cá này”.
Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp của ông bảy Bon được nhân rộng ra nhiều hội viên nông dân phường Bùi Hữu Nghĩa. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi cá bè trên sông Cồn Sơn kết hợp với phục vụ du lịch được thành lập, với 7 thành viên. Từ đó, lợi nhuận hàng năm của bà con tăng từ 2 đến 3 lần so với trước khi tham gia vào tổ hợp tác.
Hiện ông Bon cũng đã nhân giống được cá Thát Lát Cườm, cá Chạch Lấu, nghiên cứu nhân giống cá Heo đặc sản của sông Mekong... Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 10 con cá Hồng Vỹ, mỗi con nặng hàng chục ký và cá Koi, cá Trê Hồng, cá Điểm hồng, cá Bắn Nước... trong bè để kết hợp phục vụ khách du lịch tham quan.

Ông Lý Văn Bon với mô hình nuôi cá Koi và cá chép Phụng giống cung cấp cho thị trường của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hơn thế nữa, môi trường xung quanh các bè cá là nơi lý tưởng để các loại cá thiên nhiên như cá Tra, cá Sát, cá He, cá Mè vinh, cá Dảnh, cá Hú, cá Ba sa,…. làm nơi trú ngụ. Thời gian gần đây, ông Bon đã tiến hành bảo vệ và nuôi dưỡng đàn cá thiên nhiên này nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Cần Thơ nói riêng, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhận xét về gương nông dân Lý Văn Bon, ông Nguyễn Vũ Phương cho rằng ông Bảy Bon thể hiện tinh thần sáng tạo rất cao trong sản xuất và đóng góp rất lớn cho xã hội nhất là hỗ trợ hội viên nông dân phát triển.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lý Văn Bon còn đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương, gương mẫu đăng ký thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Chi hội 4 không “không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không vi phạm luật giao thông”; hàng năm đóng góp tặng quà cho người nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn, thanh niên thi hành nghãi vụ quân sự từ 60 đến 70 triệu đồng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh, ông là thành viên tích cực trong tổ COVID cộng đồng, đóng góp gần 140 triệu đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo cho người dân hoàn cảnh khó khăn.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm cộng với bản chất cần cù, siêng năng của người nông dân, ông Bon đã khai thác có hiệu quả tiềm năng của thiên nhiên, thắp thêm điểm sáng trên dòng sông Hậu hiền hòa, tươi đẹp. Với những kết quả đạt được, ông cũng đã được khen thưởng các cấp từ trung ương đến địa phương, trong đó mới đây nhất là danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 và vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2022, ông Bon là một trong 4 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, đại diện cho hơn 79.000 hội viên nông dân dự Hội nghị tổng phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Đầu tháng 6/2023, ông được tôn vinh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.
Lê Thị Hoa
Hội Nông dân thành phố

(Ông Lý Văn Bon được tôn vinh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023)